Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

Chim bám nóc lồng phải làm thế nào ?

Tất cà các loại chim cảnh ; Chào Mào, Họa Mi, Vành Khuyên, Chích Chòe, Khướu, Nhồng.... Khi bám vào nóc lồng nhìn rất khó chịu, mất thẩm mỹ và giá trị. Vậy Chim bám nóc lồng phải làm thế nào ?
Sau đây chimcanhviet.net xin hướng dẫn anh em cách trị chim bám nóc lồng hiệu quả nhất, thành công 100% dành cho anh em nào chưa biết cách. Để trị bám nóc lồng anh em làm theo các cách sau đây:

+ Cách 1 : Sử dụng tấm giấy bìa cứng, miếng phim X Quang cắt tròn ( đối với lồng tròn ) và cắt vuông đối với lồng vuông. Sau đó gắn vào bên trong nóc lồng. Chim sẽ không dám bám nóc nữa, cách này thì hết tuyệt đối nhưng anh em phải để như vậy khoảng 5- 6 tháng mới lấy ra.

+ Cách 2 : Đổi qua lồng khác, anh em có thể mua lồng có nóc hình nấm ( chóp ) phía trên nóc nhỏ chim sẽ không dám nhảy lên bu nóc được nữa. Cách này thì cho chim ở trong lồng đó luôn cũng được.




























+ Cách 3 : Treo  1 vài thứ trên nóc lồng, dùng chỉ để treo nút áo, cái tăm... bên trong nóc lồng chim. Nút ao, cây tăm đung đưa qua lại chim nhìn sợ không dám bám nóc lồng nữa
Đó là 3 cách giúp trị chim bám nóc, chúc anh em thành công và nhớ ghé thăm blog chim cảnh nhé


Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

Bài 5. Chữa bệnh cho chim chào mào

    Chim chào mào dễ nuôi nhưng đôi khi cũng bị mắc bệnh. Nếu ta không biết chim bị bệnh hoặc biết nhưng chủ quan không chữa trị có thể dẫn đến chim bị chết. Bởi vậy việc nhận biết và chữa bệnh cho chim rất quan trọng.

    Chim bị trúng gió :
    Triệu chứng  : - Chim nhìn yếu, mắt lim dim, đi phân lỏng, thích cắm đầu vào cổ

     Chữa trị        : - Chim bị nhẹ có thể nhỏ dầu vào đáy lồng, trùm áo lồng lại cho chim nghỉ ngơi.
                            - Bị nặng thì sức dầu vào phao câu chim, hai nách, hai cánh, và lòng bàn chân chim.

     Cách phòng tránh : - Không nên treo chim chỗ nhiều gió, đặc biệt gió hướng Bắc
                                     - Chỗ tắm nên kín gió, tắm xong đợi chim khô hẳn rồi mới trùm áo lồng lại.
                                     - Không nên để chim ngoài trời vào chiều tối, nếu phơi nắng tầm 5h chiều thì phải chú ý gió

    Chim bị tiêu chảy :
     Triệu chứng  : - Chim đi phân nát, phân chim loãng và nhiều nước.

     Chữa trị        : - Lấy cóng nước ra, cho chim ăn dứa thay nước trong vòng 4 -5 ngày.
                             - Hoặc cho chim uống nước chè xanh. Cách này có một số trường hợp không trị hết bệnh cho chim


     Cách phòng tránh : - Không nên đổi cám đột ngột , làm chim không thích nghi được
                                      - Chim bổi chỉ nên cho ăn cám thường như Cám Ba Vì để chim quen dần, không nên cho ăn cám tốt, chim tiêu hóa không được, dẫn đến tiêu chảy.
                                      - Không nên cho chim ăn cám bị mốc.
                                      - Nước cho chim uống phải sạch sẽ.
                                      - Dọn lồng sạch sẽ giúp chim có môi trường thông thoáng sẽ ít bệnh.

    Chim bị yếu chân :
    Triệu chứng  : - Một hoặc hai chân chào mào duỗi thẳng cứng, chim di chuyển khó, chân không bám được cầu.

     Chữa trị        : - Cho chim ăn cơm nóng
                             - Cho chim uống vitamin B1


     Cách phòng tránh : Tăng cường dinh dưỡng cho chim.
                                     - Vệ sinh lồng, cầu đậu.
                                     - Bổ sung vitamin B1 cho chim



     

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Bài 4. Chế độ chăm sóc chim chào mào căng lửa

    Chăm sóc chim chào mào căng lửa và làm thế nào để giữ lửa cho chào mào là vô cùng quan trọng. Sau khi thay lông xong, chim thường mất lửa, lúc này ngoài chế độ chăm sóc bình thường, chúng ta cần phải bổ sung thêm một số phần sau đây vào chế độ chăm sóc hàng ngày cho chim :

    Tắm nắng cho chim lâu hơn : Bình thường chúng ta chỉ cần cho chim tắm nắng khoảng 30 phút là đã đủ cho chim hấp thụ ánh nắng để sản xuất các vitamin cần thiết. Nhưng để chim nhanh căng lửa hơn, chúng ta nên cho chim tắm nắng  khoảng 1 giờ vào tầm 6h30 đến 7h30. Buổi chiều nếu có điều kiện cho chim tắm nắng tiếp vào lúc 4h30 đến 5h30. Tuy nhiên do buổi chiều thì thường có gió mạnh, không tốt cho chim nên phải cẩn thận khi tắm nắng thời gian này.

    Bổ sung dinh dưỡng cho chim : Luộc trứng gà, lấy lòng đỏ trộn với một ít mật ong cho chim ăn, khoảng 1 tuần / lần. Bổ sung mồi tươi hàng ngày, nhưng không nên cho ăn nhiều quá.

   Tập lực : Dùng lồng lực tập cho chim. Lồng lực có hai loại, lồng lực ngang và lồng lực dọc. Ưu tiên lồng lực ngang. Kích thước lồng lực tầm dài 1.5 - 2 m , rộng 40 - 50 cm. Thời gian tập ban đầu khoảng 15p. Không nên cho chim tập lâu quá. Sau khi tập nên cho chim ăn chuối hoặc mồi tươi bổ sung dinh dưỡng.
Hình lồng lực cho chim


   Dợt cội : Muốn chim mau sung và căng lửa thì phải cho chim dợt dãi đều đặn. Nhưng không nên cho chim dượt quá sức. Ví dụ như chim có thể chơi cội 1 giờ thì chỉ dợt tầm 30 phút đến 45 phút. Dợt chim xong về nhà thấy chim còn sung, hót kéo là ổn. Đừng để chim nghỉ chơi rồi mới xách chim về. Lâu dần chim sung sức hơn, thời gian dợt sẽ tăng lên. Lúc này chim của bạn sẽ chơi rất tốt và bền.

   Muốn chim chơi căng điều quan trọng là các bạn phải chăm đều tay, giờ nào dậy, giờ nào tắm, giờ nào tập, giờ nào dợt. Theo một khung thời gian nhất định hàng ngày, chim sẽ quen với nếp sinh hoạt đó và chơi tốt.

Bài 3. Phòng tránh và chữa trị các tật lỗi của chim chào mào

    Tật lỗi của chim chào mào là điều không thể tránh khỏi khi thuần dưỡng chim. Lắm tài thì nhiều tật, đôi khi những chú chim hay lại rất dễ mắc tật lỗi làm cho người chơi bỏ thì thương và vương thì tội. Vậy làm thế nào để phòng tránh chim mắc các tật lỗi này là điều vô cùng quan trọng.
    
    Tật ngoáy(ngoái đầu) : Trong tất cả các tật lỗi thì tật này gây khó chịu nhất và cũng khó chữa nhất. Tật này sinh ra thường do chim bổi còn nhát, tung mình lên vanh lồng và ngoái đầu lại tìm chỗ đậu. Thường bị lỗi khi thuần chim dùng lồng vuông, mở áo lồng hình chữ A và treo sát vách. 
    Để phòng tránh lỗi này thì không nên mở áo lồng hình chữ A, nên mở áo lồng dần dần từ dưới lên trong quá trình thuần chim. Có thể dùng lồng tròn và không treo sát vách tường. 
    Chim bị mắc lỗi này thường rất khó chữa trị. Những chim bị nhẹ sau khi thuần có thể mất tật này. Cách chữa trị tốt nhất là cho vào lồng Aviary để chim bay thoải mái, qua một thời gian có thể sẽ quên.

    Tật lộn mèo: Rất thú vị khi chim đang chơi mà lộn mèo phải không? :). Bản năng của chim là tìm đường thoát thân khi cảm thấy sợ hãi, chim nhảy lên bám nóc lồng lâu dần thành tật.
    Để phòng tránh cần dùng bìa cac-tong đặt ở đỉnh lồng làm chim nhảy lên không có chỗ bám.
    Khi chim đã bị lộn mèo, có thể chữa bằng cách đặt bìa cac-tong như ở trên. Nếu chim bị tật nặng có thể kết hợp thêm phương pháp đan dây cước hoặc đặt thêm 3- 4 cầu phụ ngay trên cầu chính, cách cầu chính tầm 15 cm. Lúc đó chim sẽ vướng dây và cầu, không nhảy lên được, chim sẽ mất tật lộn mèo.

   Tắm cóng : Chim lâu ngày không được cho tắm, ngứa ngáy khó chịu, sẽ dễ mắc tật này.

    Để phòng tránh thì nên cho chim tắm đều đặn 2 -3 ngày / lần.

    Khi chim bị tật tắm cóng, nên thay cóng nước thường bằng cóng có dạng như sau:
Lỗ uống nước nhỏ nên chim sẽ không tắm được. Nhưng cũng nên nhớ việc tắm cho chim thường xuyên là quan trọng nhất.

    Chim chơi thất thường : Rất khó chịu khi treo chim lên lúc thì chơi rất căng, lúc chỉ đứng rỉa lông ăn mồi. Chim bị như thế thì không có gì phải lo lắng. Sáng sau khi tắm nắng xong, bạn trùm áo lồng chim lại đem vào nhà cho chim nghỉ ngơi. Một ngày chỉ mở áo lồng 1 - 2 lần treo lên cho chim chơi, mỗi lần khoảng 15 phút. Khi đó chim sẽ chơi rất sung mỗi khi được treo lên và sẽ không còn chơi tùy hứng như trước.

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Bài 2. Thuần chim chào mào bổi

   Ở bài trước chúng ta đã biết cách chọn một chú chim vừa ý . Nhưng đó chỉ là khởi đầu cho một chuỗi ngày gian nan và vất vả, đó là thuần chim bổi.
   Nhiều bạn thắc mắc là làm sao để chim nhanh dạn, sao người này nuôi nhanh dạn, mà mình nuôi lại không dạn. Xin thưa rằng để thuần một con chim thì cần cả thiên thời địa lợi nhân hòa. Bài viết này sẽ giúp các bạn cảm thấy công việc thuần chim không còn khó khăn nữa, thêm vào đó rất là thú vị.
   Thiên thời : thời đây là thời tiết các bạn ạ. Các bạn cứ thử nghĩ, đem chim về trong ngày mưa tầm tã, cái rét, cái gió, thì chỉ có nước trùm chim lại cho ăn bột qua ngày, làm sao có thể thuần được. Ý muốn nói ở đây là với thời gian thuần bổi tầm 2 3 tháng trở lên, thì bạn nên chọn thời điểm phù hợp. Tốt nhất nên mua chim vào đoạn tháng 3 tháng 4 hàng năm, thời tiết ấm, khô ráo. Và đặc biệt mùa thay lông của chim thường từ tháng 7 đến tháng 12. Nếu mua thời gian này, sau 5 6 tháng chim đã thuần và qua một mùa lông. Chim sẽ dạn và đẹp, đến Tết bạn có thể vừa tiếp khách vừa nghe chim hót cả ngày được rồi.
   Địa lợi : Yếu tố này rất quan trọng, để chim nhanh thuần, chúng ta phải có chỗ treo chim hợp lý. Chim muốn nhanh thuần, phải treo chỗ có nhiều người qua lại, có một khoảng cách hợp lí để chim không sát với người quá, tránh chim hoảng ngay từ đầu. Phải có chỗ phơi nắng cho chim vào buổi sáng. Tránh treo chim hướng Bắc vì gió hướng Bắc rất dễ làm chim trúng gió và chết. Chỗ chim ngủ phải yên tĩnh, tránh được chuột, mèo..., nói chung là bạn phải tạo cho chim một môi trường tốt, phù hợp.
   Nhân hòa : Con người là yếu tố quan trọng nhất. Thời gian và kinh nghiệm, hai yếu tố quyết định.
Bạn phải có thời gian chăm sóc và chơi với chim, chim sẽ nhanh dạn hơn hẳn.

    Từ ba yếu tố trên, bạn có thể chọn cho mình phương pháp thuần chim hiệu quả và đặc biệt là phù hợp với điều kiện của bạn.

Lồng thuần chim bổi : Thông thường muốn chim nhanh thuần thì dùng lồng nhỏ, các nan trên cùng  sít nhau, tránh chim chui đầu gây sứt đầu mẻ trán, chim sẽ lâu thuần. Nhưng có những chim rất nhát, đặc biệt chim bổi già rừng, thì nên dùng lồng rộng, đặt nhiều cầu, để chim có không gian bay nhảy khi cảm thấy sợ, tránh hư chim.

Dùng áo lồng để thuần chim : Chim mới đầu rất nhát, phải trùm 1 ngày cho chim quen lồng. Sau đó mở áo lồng ra từ từ. Có nhiều phương pháp, mở hình chữ A, hoặc mở áo lồng dần dần từ dưới lên. Mình đánh giá cao phương pháp mở áo lồng từ dưới lên, nhưng phương pháp này các bạn nhớ phải cho chim có cầu phụ để chim nhảy lên lúc hoảng. Việc mở áo lồng không nên nóng vội. phải kiên nhẫn. Bạn kiên nhẫn chừng nào thì chim mau thuần và ít tật lỗi chừng đó.

Cho chim tắm : Nhiều bạn gặp khó khăn khi cho chim tắm. Phải lưu ý rằng, chim muốn tắm hay không, có là việc của chim, bạn không được ép. Việc của bạn chỉ là cho chim vào lồng tắm. Vậy tại sao phải cho chim tắm? tại sao cho chim tắm sẽ nhanh dạn? Ai cũng nói thế, nhưng vì sao thì ít người giải thích được. Không nên ép chim sang lồng. Cách tốt nhất là bạn thông cửa lồng và để thế cho chim tự sang. Chỉ một hai lần chim sẽ quen. Các bạn xem clip trong đường dẫn sau https://youtu.be/dclXv0aRNFc

    Khi chim sang lồng tắm thì bạn lấy lồng chim để vệ sinh, chăm thức ăn. Việc này tránh được chim hoảng do đưa tay vào lồng vệ sinh lúc chim còn ở lồng. Có nhiều bạn cứ thắc mắc, chim không chịu tắm, làm cách nào?. Có phương pháp là dùng bình xịt nước chim, cách này quán chim hay làm, nhưng mình không khuyến khích. Cách tốt nhất, bạn kiếm một con chim đã biết tắm, đặt 2 lồng tắm sát nhau theo chiều dọc, sao cho khi chim tắm bên này thì nước bắn được sang chim không chịu tắm, đảm bảo bạn bất cứ con chim cứng đầu nào đều không chịu được 3 nốt nhạc và phải tắm. Sau khi chim đã tắm trong lồng 2 3 lần, những lần sau bạn không phải ép chim nữa, chim tự cân bằng được, lúc nào nên tắm lúc nào không.
    Nên 2 -3 ngày tắm chim một lần, giờ tắm tốt nhất là 12h, địa điểm đặt lồng tắm nên kín gió, có chút nắng nhẹ thì tốt. Sau khi tắm xong, thấy chim đứng rỉa lông thì cho chim về lồng, treo nơi kín gió, tuyệt đối đừng phơi nắng vì giờ 12h nắng k tốt cho chim. Sau đó bạn cho chim nghỉ ngơi.

Tắm nắng cho chim : Tốt nhất nên cho chim tắm nắng từ 6h15 đến 7h. Thời điểm này nắng không gắt, rất tốt cho chim, trời lạnh thì không nên cho chim tắm nắng sớm, rất dễ bệnh.

Dinh dưỡng cho chim : Chim bổi mới về tốt nhất cho ăn cám ba vì hoặc cám gia cầm chăn nuôi. Vì chim chưa quen với điều kiện nuôi nhốt, nên nếu bạn cho ăn cám tốt, nhiều chất dinh dưỡng, thì chim không tiêu hóa được dẫn đến đau bụng, đi phân lỏng, gây hại cho chim. Trái cây tốt nhất là chuối mật, hay còn gọi chuối mốc. Các loại bom, lê tốt nhất k cho ăn vì rất dễ dính thuốc, chim sẽ chết. Lâu lâu vào lúc nắng nóng nên cho chim một ít cam, hoặc một ít cà chua cho mát chim. Lúc thay lông nên cho ăn đu đủ để đỏ tách và đít, thay lông nhanh. Châu chấu thì đừng cho ăn nhiều, dễ giun sán, chim phụ thuộc châu chấu là không tốt.

Nhiều bạn sau khi đọc xong bài viết sẽ thắc mắc tại sao không có phương pháp chăm chào mào nhanh dạn nào. Những phương pháp như cắt cánh , nhổ lông đuôi chim... bài viết không khuyến khích các bạn làm. Bài viết không đánh giá nó sẽ giúp chim nhanh thuần hay không. Bài viết muốn truyền tải với các bạn, khi chơi chim, bạn phải yêu quý chim, chăm chim giống như chăm con cái vậy, từ từ, uốn nắn thì sẽ thành công. Còn việc ép chim nhanh dễ gây tật lỗi, có những chú chim rất hay nhưng vì chủ vội quá, ép chim như hành xác, dẫn đến chim mất lửa, bị tật, coi như bỏ chim. Đừng xem các clip chim đá tay người, hay chim quá thuần, những chim đó thường nuôi chim non còn đỏ hỏn lên, làm mất cái tính hoang dã của chim. Các bạn hãy kiên nhẫn thực hiện theo bài viết, chim sẽ rất mau ra giọng và dạn người. Sau đó kết hợp việc dợt cội , chim sẽ dạn từ từ. Mình sẽ cập nhật các bài viết về phần đó sau. Chúc các bạn thành công trong việc thuần chim của mình




    

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Bài 1. Chọn chim chào mào

    Mục đích của bài viết là giúp cho anh em mới chơi chào mào có cái nhìn rõ ràng hơn khi đánh giá một chú chim chào mào. Từ đó giúp có những lựa chọn chính xác hơn.

    Để chọn được chim, thì đầu tiên chúng ta phải biết thế nào là chim chào mào đẹp. Một con chim đẹp hội tụ rất nhiều tố chất. Đầu tiên mào chim phải dày, mào lân thì chim nhìn dữ và đẹp, mào cui thì chim có vẻ lìm lợm. Tách chim phải to, đều hai bên, màu đỏ. Yếm chim dài, sậm màu, gần khít vào nhau. Hầu chim to, khi chim hót nhìn sẽ rất đẹp. Mình chim thon dài, cân đối. Cánh chim không dài quá phao câu, xếp đều hai bên, không xếp chồng lên nhau. Và quan trọng nhất là đôi mắt chim. Tại sao có người nhìn vào cảm thấy thân thiện, có người thấy dữ dằn làm bạn e sợ, đa phần là đôi mắt. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Đối với chim cũng vậy, nhưng để nhìn mắt chim mà đánh giá thì e rằng bạn phải có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề chơi chim, và không phải ai lâu năm cũng đánh giá được điểm này của chim.Nói chung, nhìn chim cân đối, khỏe mạnh, đừng hiền quá mà dễ chim hèn là tốt.


    Sau khi đã biết thế nào là chim đẹp thì ta sẽ cùng chọn chim. Với người mới chơi chim, mình khuyến khích không chơi chim bổi, vì rất dễ nản. Để phù hợp điều kiện kinh tế, nên chơi chim chưa có mùa nhưng đã hơi dạn ở tiệm, chim đã ra giọng, siêng hót, hơi dạn người. Những chú chim như thế giá thành cũng không quá cao, chỉ tầm bốn năm trăm là đã sở hữu được một chú rồi. Về chăm lấy kinh nghiệm. Còn thật sự đam mê, không ngại khó ngại khổ, các bạn có thể chọn bổi tuyển. Loại bổi này giá cao gấp hai đến ba lần so với bổi thường. Và tất nhiên đa số những chú bổi này có tố chất hơn, dạn chim hơn, và thường là đẹp hơn. Chọn chim cần phải kiên nhẫn, ngồi quan sát một chú chim tầm nửa tiếng thì mới kết luận được có nên mua hay không. Nếu chim đã sang lồng bổi thì hãy thử thay đổi vị trí các chim xung quanh nó, đánh giá chim kè đấu như thế nào, có bỏ nước không. chim đang kè mà cụp mào thì không chọn. chim giật mình khi nghe chim khác chéc hoặc hót thì không chọn. Nên chọn những con nào có thái độ kè lồng tốt, nhìn đầu gấu. Tiếp đến là giọng chim, giọng chim phải to, đanh, nghe vang. Thật ra cái này cũng khó cho những bạn chưa có kinh nghiệm, Việc thẩm âm chim đòi hỏi một quá trình và niềm đam mê. Đừng chọn những chim thấy há mỏ nhưng không phát ra tiếng. Những chim đó thường là chim hèn, giọng không hay, không to.Chim có thể không chơi, nhưng chơi là phải ra tiếng rõ ràng.
    Có một việc quan trọng trong việc chọn chim đó là vùng của chim. Vùng miền ảnh hưởng rất lớn đến tố chất của chim. Vì đặc điểm đất nước ta trải dài từ Bắc chí Nam nên giọng nói của con người(người nhé, huống gì chim) cũng thay đổi theo, giọng Bắc, giọng Nghệ An, giọng Huế, giọng Quảng Nam, giọng Gia Lai Dak Lak, giọng Bình Định. Và chim cũng thế, thường dân chim chuộng chim Huế và Quảng Nam nhiều hơn các vùng khác. Về việc vùng miền thì mình sẽ có một bài khác bàn về vấn đề này nhé. Thật ra giờ chim chuẩn vùng rất hiếm và cũng ít chim có giọng chuẩn vùng nữa(bị toàn cầu hóa giọng chim rồi :( ).